PHÒNG NHIỄM GIUN SÁN Ở TRẺ EM
Đăng ngày:7/7/2025 10:37:09 AM bởi adminPHÒNG NHIỄM GIUN SÁN Ở TRẺ EM
PHÒNG NHIỄM GIUN SÁN Ở TRẺ EM
Trẻ em là đối tượng dễ mắc các bệnh giun sán nhất, đặc biệt các loại giun đũa, giun móc, giun tóc, giun kim.
Nguyên nhân nhiễm giun sán
Nguyên nhân khiến trẻ nhiễm giun sán là do qua đường ăn uống, do ăn thức ăn không sạch sẽ, chưa nấu chín kỹ, uống nước chưa đun sôi hoặc ăn các loại rau sống chưa được rửa sạch.Ngoài ra, trẻ có thể bị nhiễm giun sán khi tiếp xúc với bàn tay bẩn, nguồn nước không hợp vệ sinh, qua sinh hoạt hàng ngày tiếp xúc trực tiếp với môi trường đất.
Các đường truyền nhiễm giun
- Các bệnh giun truyền qua trứng giun từ phân của người bị nhiễm bệnh thải ra ngoài đất. Giun trưởng thành sống trong ruột và từ đây hàng ngàn trứng được sinh ra mỗi ngày. Trứng giun sau khi thải ra đất theo phân làm cho đất bị nhiễm, đặc biệt tại các nơi thiếu vệ sinh.
- Giun đũa, giun tóc, giun kim lây qua đường tiêu hóa như: nếu ăn phải thức ăn bẩn hoặc vệ sinh kém bị nhiễm trứng giun (như các loại rau ăn sống hoặc các loại rau không được nấu chín kỹ, rửa sạch, bóc vỏ); cũng có thể nhiễm từ các nguồn nước bị nhiễm trứng giun; trẻ em nghịch đất cát nhiễm trứng giun, sau đó đưa tay vào miệng...
- Đối với giun móc, trứng giun sẽ nở thành ấu trùng ở đất, sau đó ấu trùng giun xâm nhập cơ thể người chủ yếu là chui qua da (chân, tay...). Những người bị nhiễm giun móc thường do thói quen đi không mang giày dép trên đất bị ô nhiễm.
Các triệu chứng thường gặp
- Giun đũa: Trẻ bị nhiễm giun đũa thường rối loạn tiêu hoá như đau bụng, buồn nôn, thậm chí nôn hoặc đi ngoài ra giun.
- Giun tóc: Nhiễm nhiều giun tóc cùng lúc trẻ thường bị đau bụng, buồn nôn, tiêu hóa bị rối loạn. Tình trạng nặng hơn sẽ tổn thương niêm mạc ruột già, đi ngoài có chất nhầy lẫn máu.
- Giun móc: Triệu chứng thường gặp nhất là chóng mặt, mệt mỏi, chán ăn, đau bụng âm ỉ, da xanh, thiếu máu.
- Giun kim: Loại giun này khiến trẻ ngứa ngáy vùng hậu môn, thường xuyên gãi nhiều dễ gây nhiễm trùng, quấy khóc ngủ không ngon giấc, đi ngoài lẫn máu và chất nhầy.
Hậu quả của nhiễm giun sán ở trẻ em
Chán ăn; Suy dinh dưỡng: gầy yếu, sụt cân, chậm lớn; Thiếu máu: đau đầu, xanh xao, mệt mỏi, lười vận động; đôi khi xuất hiện các nốt ban ngứa ngoài da…..
Phòng ngừa giun sán ở trẻ em
Vệ sinh môi trường sống: sử dụng hố xí hợp vệ sinh, không phóng uế bừa bãi ra môi trường, không dùng phân tươi hoặc chưa ủ kỹ để bón cây, không để chó, gà thả phân gây ô nhiễm môi trường; thường xuyên cắt ngắn móng tay cho trẻ; hướng dẫn trẻ rửa tay với xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; đi giày dép thường xuyên, nhất là khi đi ra vườn, nền đất cát; tẩy giun định kỳ cho trẻ theo hướng dẫn của cán bộ y tế./.
Nguồn tin: